Là nơi tập trung nhiều Bộ, Sở, Ban, ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước (10 Bộ trong tổng số 17 Bộ của Trung ương đóng trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội) và cũng là nơi tập trung của nhiều đại sứ quán và nhà riêng đại sứ (17 đại sứ trong tổng số 60 nước có đại sứ quán tại Hà Nội), các văn phòng đại diện nước ngoài, nơi tập trung của các cơ quan chính trị - xã hội - tôn giáo1, Hoàn Kiếm xứng đáng là trung tâm hành chính, chính trị của Thành phố.
Với chợ Đồng Xuân - một khu thương mại và dịch vụ lớn, là đầu mối giao lưu hàng hoá của cả khu vực phía Bắc cùng với một loạt chợ lớn như: Hàng Da, Cửa Nam, Hàng Bè và những tuyến phố thương mại sầm uất như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào..., Hoàn Kiếm đã và đang trở thành trung tâm thương mại lớn của Thủ đô Hà Nội.
Chợ đêm Đồng Xuân - một hình thức dịch vụ thương mại mới - tuy đang trong giai đoạn hình thành nhưng nếu phát huy có hiệu quả thì không những khẳng định vị trí trung tâm thương mại của Hoàn Kiếm mà còn là một nhân tố thu hút khách du lịch.
Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là sự đầu tư mạnh mẽ trong xây dựng các công trình cao ốc, các toà văn phòng nổi tiếng như Hà Nội Tower. Đó là lợi thế về vị trí địa lý mà không quận nào có thể có được. Các cơ quan, đơn vị đều muốn có văn phòng đặt trên địa bàn Quận. Chính vì vậy, Hoàn Kiếm phát triển rất mạnh dịch vụ cho thuê văn phòng và là Quận có nhiều tiềm năng nhất để phát triển loại hình dịch vụ cao cấp này. Điều đó tạo cho Hoàn Kiếm một bộ mặt mới, văn minh bên cạnh những công trình kiến trúc cổ, đồng thời khẳng định vị thế trung tâm dịch vụ của Quận.
Với hệ thống các trung tâm tài chính, ngân hàng đầu não tập trung tại Quận, Hoàn Kiếm có tiềm năng phát triển mạnh các giao dịch về kinh tế tài chính. Trong 10 năm tới, trên cơ sở Nhà nước đổi mới chính sách tài chính ngân hàng và sự phát triển của các thành phần kinh tế, Hoàn Kiếm sẽ trở thành trung tâm tài chính lớn của Hà Nội. Đây chính là một loại hình dịch vụ cao cấp- một hình thức dịch vụ dựa trên trí thức vàdựa trên sự tiến bộ, văn minh của nền kinh tế.
Ở vị trí trung tâm Thành phố với vai trò trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, dịch vụ, quận Hoàn Kiếm có nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.
2- Địa hình.
Quận Hoàn Kiếm nằm trong khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, thoải dần từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam. Cao độ cao nhất là 11,0m và thấp nhất là 6,5m. Qua nhiều năm xây dựng, địa hình đã được bồi nền nhân tạo cao thêm 1¸2 m so với địa hình tự nhiên ban đầu
3- Khí hậu.
Quận Hoàn Kiếm có điều kiện khí hậu chung của Thành phố Hà Nội, một năm chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình cao nhất là 38C, mưa tập trung nhiều từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3, nhiệt độ trung bình thấp nhất từ 8C đến 10C.Độ ẩm trung bình trong năm: 84,5%.
4- Lịch sử hình thành và phát triển.
Quận Hoàn Kiếm luôn là trung tâm của Hà Nội và của Việt Nam, được hình thành cách đây gần 1000 năm, có một bề dày lịch sử phát triển.
Khu phố cổ (36 phố phường) được hình thành từ đầu thế kỷ XIX thuộc Triều Nguyễn. Cùng với việc xây dựng Hoàng Thành, Kinh Thành, nhiều đình, đền, chùa...được xây dựng như: đình Kim Ngân, chùa Báo Ân, Báo Thiên, đền Vua Lê, Ngọc Sơn, Bà Triệu...
Từ năm 1886, quận Hoàn Kiếm được phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo kiểu khu phố của người Châu Âu, với hệ thống bàn cờ được hoạch định trước. Đây là một giai đoạn phát triển mới, mang phong cách xây dựng đô thị Châu Âu với nhiều công trình kiến trúc có sắc thái riêng mang nhiều đường nét kiến trúc Pháp.
Từ năm 1955, đặc biệt là sau năm 1975, việc xây dựng phát triển của quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh ra phía ngoài đê, các khu nhà ở tập thể của các cơ quan được hình thành.
Do sự hình thành các khu vực theo từng giai đoạn như vậy, quận Hoàn Kiếm được phân rất rõ ràng với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử:
- Khu phố cổ: gồm các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai, Đồng Xuân và một phần của hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bông. Các công trình chủ yếu là nhà ở kết hợp với cửa hàng, mật độ xây dựng cao, đường giao thông nhỏ và ngắn.
- Khu phố cũ: gồm các phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Bài. Nhiều loại công trình hình thức kiến trúc đẹp: nhà ở biệt thự, công sở, nhà hát, cửa hàng, khách sạn, bảo tàng, thư viện...
- Khu ngoài đê: gồm 2 phường Phúc Tân và Chương Dương, công trình chủ yếu là nhà ở của dân lao động, xây dựng manh mún, chắp vá, không có qui hoạch.
Bề dày lịch sử hình thành và phát triển với sự tập trung của các khu phố cổ là một đặc thù riêng có của quận Hoàn Kiếm, tạo cho Quận một thế mạnh trong phát triển dịch vụ, đặc biệt là trong phát triển thương mại, du lịch.
5- Cảnh quan thiên nhiên.
Quận Hoàn Kiếm nổi tiếng với Hồ Gươm "viên ngọc quý của Thủ đô" một danh thắng, di tích quan trọng mang nhiều dấu ấn lịch sử. Không những thế, với 130.000 m2 mặt nước và 32.250 m2 diện tích cây xanh ven hồ ở giữa trung tâm Thủ đô, Hồ Gươm còn là một cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và là hồ điều hoà của trung tâm Hà Nội. Cùng với Hồ Gươm, không thể không kể đến những tài nguyên sinh tạo, với những vườn hoa lớn, đã tạo nên vẻ đẹp của Thủ đô và tăng thêm tính hấp dẫn của du lịch sinh thái - văn hoá.